AGVC Tham dự Hội nghị khu vực về Dự án thí điểm “Thúc đẩy tiếp cận công bằng kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường tại Việt Nam” của UNESCO
Ngày 21-22/11/2024, Trường Cao đẳng Nghề An Giang (AGVC) đã tham gia Hội nghị khu vực do UNESCO tổ chức về Dự án thí điểm “Thúc đẩy tiếp cận công bằng kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường tại Việt Nam.” Hội nghị có sự góp mặt của hơn 70 đại biểu đến từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, các tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và đối tác phát triển. Đại diện AGVC có thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã trình bày những thành tựu đáng chú ý của dự án khu vực, đặc biệt là các mô hình hỗ trợ trẻ em và thanh niên yếu thế tiếp cận kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp giáo dục dựa trên nhu cầu thực tiễn, tập trung vào học tập suốt đời và thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Các chiến lược nhân rộng mô hình giáo dục nghề bền vững cũng được thảo luận, với trọng tâm là sự phối hợp giữa các ngành và sự tham gia tích cực của các bên liên quan nhằm đảm bảo giáo dục công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, hội nghị còn đề cập đến các sáng kiến hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, như việc kết nối các tổ chức và cơ sở GDNN trên toàn khu vực ASEAN để xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Tham gia hội nghị là cơ hội để AGVC học hỏi kinh nghiệm, khẳng định vai trò trong mạng lưới GDNN khu vực và hướng tới các mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Cam kết chuyển đổi công bằng trong giáo dục nghề tại AGVC
Theo báo cáo, của Quỹ JPMorgan đã đánh giá cao những nỗ lực của Trường Cao đẳng nghề An Giang (AGVC) trong việc đào tạo nghề cho phụ nữ và người khuyết tật. AGVC đã phối hợp với GIZ, một tổ chức hỗ trợ phát triển của Đức, để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong việc đào tạo nghề và việc tìm việc làm (ví dụ như các công việc và kỹ năng trong lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí). Trường đã tổ chức các sự kiện thông tin (gọi là "Open Day") dành riêng cho phụ nữ và người khuyết tật, sử dụng các buổi thảo luận từ các đối tác trong ngành để tạo sự tự tin và sự quen thuộc với các công việc kỹ thuật. Ngoài các kỹ năng kỹ thuật, trường cũng cung cấp hỗ trợ toàn diện để giúp sinh viên từ các tầng lớp ít được quan tâm tham gia đào tạo. Trường cũng thúc đẩy việc tuyển dụng phụ nữ và người khuyết tật với các đối tác trong ngành và nhà tuyển dụng. Trường tăng cường các hoạt động truyền thông để quảng bá các chương trình và thu hút sinh viên.
Ngày hội hướng nghiệp dành cho các học sinh tại trường trẻ em khuyết tật tỉnh An Giang
AGVC cũng đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công bằng tích hợp công nghệ hiện đại vào giảng dạy, đào tạo nhân lực cho các ngành công việc bền vững. Hiện tại, khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp của trường, bao gồm cả phụ nữ và người khuyết tật, tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp.
Nữ sinh học kỹ thuật được tạo điều kiện tham gia trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học tại AGVC
Trong bối cảnh nền kinh tế xanh đang trở thành một xu hướng toàn cầu, các trường đào tạo nghề trên thế giới đang chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức về các công việc xanh. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Với những nỗ lực, Trường Cao đẳng nghề An Giang hướng tới việc đào tạo nhân lực có kỹ năng và kiến thức về các công việc xanh, đồng thời giúp các nhóm yếu thế được quan tâm trong việc đào tạo và tìm việc làm có cơ hội phát triển bản thân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tin ĐT